Trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không thể không tránh khỏi trường hợp có sự biến động về thành viên, cổ đông trong công ty. Pháp luật doanh nghiệp dự liệu được trường hợp này nên đã quy định doanh nghiệp có thể chuyển đổi loại hình của mình sao cho phù hợp với thực tế mà không phải chấm dứt hoạt động doanh nghiệp rồi thành lập doanh nghiệp mới. Luật Doanh nghiệp năm 2020 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 thay thế Luật Doanh nghiệp năm 2014 có bổ sung thêm trường hợp về chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Để làm rõ các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, Luật Phamlaw xin giới thiệu tới quý khách hàng bài viết Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020 để quý khách hàng tham khảo.

 

I. Các loại hình doanh nghiệp

Hiện nay pháp luật quy định có bốn loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), Công ty cổ phần, Công ty hợp danh. Theo đó:

Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp (khoản 1 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020).

Công ty TNHH hiện nay gồm hai loại hình là Công ty TNHH một thành viên và Công ty TNHH hai thành viên trở lên. Công ty TNHH  một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật Doanh nghiệp 2020 (khoản 1 Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2020).

Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó: Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa. Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (khoản 1 Điều 111 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó: Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung. Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty. Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty (khoản 1 Điều 177 Luật Doanh nghiệp năm 2020).

Theo đó có thể thấy mỗi loại hình doanh nghiệp có nét đặc trưng riêng vừa về thành viên vừa về bản chất doanh nghiệp. Ví dụ Công ty hợp danh sẽ nổi bật bản chất đối nhân của mình thông qua việc quy định mối quan hệ của các thành viên hợp danh trong việc xây dựng và phát triển công ty hay Công ty cổ phần sẽ có bản chất đối vốn khi quy định chủ yếu về việc góp vốn của các cổ đông thông qua cổ phần.

II. Các trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp

1. Chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần- Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020

Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định công ty TNHH chuyển đổi thành Công ty cổ phần thông qua các phương thức sau:

  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác. Trong trường hợp này có thể hiểu, Công ty TNHH đã có đủ số thành viên, đủ số vốn để hoạt động công ty nên phương thức chuyển đổi này mang tính đơn thuần chuyển đổi để phù hợp với điều kiện kinh doanh và mối quan hệ giữa các thành viên. Ví dụ như trường hợp Công ty TNHH đã đủ số thành viên tối thiểu của Công ty cổ phần (tối thiểu 3 cổ đông) nên không cần phải huy động thêm thành viên mà có thể chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang Công ty cổ phần luôn.
  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn. Trường hợp này phát sinh khi Công ty TNHH muốn mở rộng quy mô kinh doanh và chuyển loại hình công ty sang đối vốn.
  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác.Trong trường hợp này số thành viên sau khi bán phần vốn góp sẽ có biến động, do bán phần vốn góp nên mối quan hệ giữa các thành viên không có nhiều vì vậy chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần trong trường hợp này là hợp lý.
  • Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 202 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các phương thức khác.

Trong trường hợp chuyển đổi này, công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

2. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên – 

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên theo phương thức sau đây:

  • Một cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tương ứng của tất cả cổ đông còn lại. Trong trường hợp này, công ty cổ phần chỉ còn lại một cổ đông duy nhất nên không đủ số cổ đông tối thiểu để duy trì hoạt động công ty, vậy nên cần chuyển đổi loại hình doanh nghiệp cho phù hợp.
  • Một tổ chức hoặc cá nhân không phải là cổ đông nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của tất cả cổ đông của công ty. Trường hợp này giống trường hợp trên khi công ty chỉ còn lại một cổ đông duy nhất nên chuyển đổi công ty thành công ty TNHH một thành viên là hợp lý nhất.
  • Công ty chỉ còn lại 01 cổ đông.

Việc chuyển nhượng cổ phần nêu trên phải được thực hiện theo giá thị trường, giá được định theo phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu hoặc phương pháp khác.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công ty chỉ còn lại một cổ đông hoặc hoàn thành việc chuyển nhượng cổ phần theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 203 Luật Doanh nghiệp năm 2020, công ty gửi hồ sơ chuyển đổi đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đã đăng ký. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

3. Chuyển đổi công ty cổ phần thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

Công ty cổ phần có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo phương thức sau đây:

  • Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên mà không huy động thêm hoặc chuyển nhượng cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác.
  • Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn.
  • Chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên đồng thời chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần cổ phần cho tổ chức, cá nhân khác góp vốn.
  • Công ty chỉ còn lại 02 cổ đông.
  • Kết hợp phương thức quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 204 Luật Doanh nghiệp 2020 và các phương thức khác.

Công ty phải đăng ký chuyển đổi công ty với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc chuyển đổi. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ chuyển đổi, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cập nhật tình trạng pháp lý của công ty trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Công ty chuyển đổi đương nhiên kế thừa toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và nghĩa vụ khác của công ty được chuyển đổi.

4. Doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh – Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp 2020

Đây là điểm mới của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Trong khi Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn thì Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã bổ sung thêm trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, công ty hợp danh. Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã khắc phục được bất cập khi doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành các loại hình doanh nghiệp khác mà không chuyển đổi được trực tiếp.

Ví dụ trường hợp doanh nghiệp tư nhân muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần. Như trước đây tại Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì Doanh nghiệp tư nhân không được chuyển trực tiếp thành công ty cổ phẩn mà muốn thực hiện việc chuyển đổi này thì phải làm theo quy trình từ doanh nghiệp tư nhân => công ty TNHH => công ty cổ phần. Như vậy rất mất thời gian, chi phí, nhận thấy được bất cập này Luật doanh nghiệp 2020 đã cho phép doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi loại hình trực tiếp.

Doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

  • Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020 và cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Công ty được chuyển đổi đương nhiên kế thừa quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp tư nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ phát sinh trước ngày công ty được chuyển đổi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Share to be shared!
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  
  •  

Related Post

  • types of business in vietnam - latest updated

    Types of business in Vietnam

    Vietnam offers some choices when setting up a business in the country. According to VIETNAM ENTERPRISE LAW 2014, there are 5 types of business.

    Share to be shared!
    •  
    •  
    •  
    •  
    •  
    •  
    •  
    •  
    •  
    •  
    •  
    •  
    See more